Thứ Tư, 8 tháng 2, 2017

Chuỗi Mân Côi



CHUỖI MÂN CÔI

(Kính tặng Cha Xứ Phêrô Bùi Quang Tuấn, CSsR, và bạn Anna Phạm Thị Kiều Thu)

Gia đình nội ngoại của tôi đều gốc Phật Giáo. Riêng bản thân tôi, ngay từ nhỏ lại chịu ảnh hưởng của hệ tư tưởng vô thần từ mẹ tôi. Đặc biệt, tôi rất có ác cảm với Thiên Chúa Giáo (Công Giáo), vì qua sách báo, tôi được nghe biết về lắm vụ tai tiếng kinh thiên động địa của Giáo Hội, nhất là vào thời Trung Cổ. Có thể nói, tất cả bạn bè thân thiết của tôi đều hoặc theo Phật Giáo, hoặc theo Đạo “Thờ Ông Bà”. Còn những người quen sơ theo Công Giáo luôn phải chướng tai gai mắt với những luận điệu khích bác đến xóc hông của tôi …

Rốt cuộc thì… ghét của nào Trời trao cho của nấy… Vào đầu năm tôi học lớp 12, lớp A3 bên cạnh bị giải thể và một số bạn được chuyển qua lớp A1 của tôi. Sau thủ tục chào hỏi và giới thiệu các bạn mới, cô giáo chủ nhiệm đã chỉ định một bạn gái vào bàn tôi và ngồi ngay cạnh tôi. Nàng có tên gọi là K.T., một cái tên đáng yêu như vóc dáng xinh xắn của nàng. Thế là một định mệnh mới mẻ đã được an bài cho tôi… Không hiểu vì sao, ngay từ giây phút gặp gỡ đầu tiên, tôi đã thấy mình bị thu hút một cách mạnh mẽ, lạ lùng bởi cô bạn mới này. Rồi từ đó trở đi, tôi cứ ngày ngày lẽo đẽo bám sát theo nàng… từ lúc cổng trường chưa mở cho đến lúc tiếng trống vang vang báo hiệu tan học, siêng năng cần mẫn như một chàng trai mới lớn vác cuốc đi trồng… cây si. Đến nỗi, đám bạn thân từ trước phải phì cười và trêu tôi là kẻ thuộc hệ “thứ ba” vì trót “phải lòng” một người cùng phái.

Đúng vậy, tôi không chối cãi là tôi đã “mê mệt” K.T., “mê” đến độ khi biết K.T. là tín đồ Công Giáo, thứ “tôn giáo khó ưa” mà tôi từng thề độc là sẽ không bao giờ gia nhập, tôi vẫn bất chấp, thậm chí còn chăm chú lắng nghe nàng nói về Đức Kytô của nàng… Đây mới thật là chuyện lạ kỳ hy hữu, vì từ bấy lâu nay, đem bất cứ đạo gì ra bàn, tôi còn khả dĩ tiếp chuyện chứ hễ đề cập tới Thiên Chúa Giáo, tôi sẽ lập tức nhảy nhổm lên công kích cho tới cùng.

Bấy giờ trong lớp tôi có hai cô bạn khác, một cô tên là T.M., thuộc Hội Thánh Tin Lành, và cô kia tên là N.T. thuộc hệ phái Cơ Đốc Phục Lâm. Vô tình khám phá ra sự quan tâm “bất bình thường” của tôi đối với Chúa Giêsu, hai nàng ấy liền hăng hái xúm vô rủ rê tôi đi nhà thờ và lôi Kinh Thánh ra giảng giải đến chóng cả mặt. Không hiểu sao lúc ấy, tôi đâm ra dễ dãi ghê… Ừ, rủ đi nhà thờ Tin Lành, tôi cũng ưng thuận… Đem Kinh Thánh ra thuyết pháp, tôi cũng không khước từ…

Tài hùng biện và kiến thức uyên bác của hai cô bạn T.M. và N.T. dĩ nhiên là miễn bàn rồi. Hai nàng thay phiên nhau trích dẫn Kinh Thánh ào ào, kèm theo bao nhiêu luận chứng hùng hồn cho sự tồn tại của một Đức Chúa lạ lẫm nào đó ở tận trên… Trời. Thế đấy! Các nàng ấy nói quá nhiều, quá dư thừa về Chúa, nói đến độ khiến tôi phải tẩu hỏa nhập ma, mà tôi vẫn chẳng thấy… Chúa đâu! Lần nào gặp mặt, các nàng cũng đều lật Thánh Kinh vèo vèo, chỉ vào chỗ này… Chúa ở đây, rồi trỏ vào chỗ nọ… Chúa ở kia. Riêng tôi chỉ độc thấy những dòng chữ ngoằn nghèo chồng chéo lên nhau đến rối con mắt… chứ bản thân Chúa Trời thì vẫn mịt mù bóng chim tăm cá…

Hoàn toàn trái ngược, K.T. không bao giờ “dụ dỗ” tôi đi nhà thờ, không nỗ lực chứng minh có Chúa, và càng không hoài công thuyết phục tôi tin vào Ngài. Hiểu biết tôn giáo của nàng cũng khá hạn hẹp, gói gọn trong các lớp Giáo Lý căn bản là Xưng Tội Rước Lễ lần đầu, Thêm Sức và Bao Đồng. Và cũng như đại đa số tín hữu Công Giáo thời bấy giờ, nàng không thuộc Thánh Kinh, lại càng mù mịt về khoa chú giải. Tuy nhiên, nàng đã thực thi cho đến tận cùng từng Lời của Chúa bằng một lối sống mộc mạc nhưng thấm đượm tình yêu thương lân tuất của Ngài.

K.T. sống đời thường nhật của mình với một tâm tình đơn sơ hướng về Chúa, một tâm tình đã được hun đúc sâu đậm từ thưở ấu thơ bởi mẹ nàng, một góa phụ trung trinh, chuyên cần trong lời kinh tiếng kệ và tận tụy uốn nắn con thơ trong niềm tin và đức ái. Bà luôn chú tâm nhắc nhở các con cầu nguyện, đặc biệt là lần chuỗi Mân Côi. Bà nhẫn nại giáo dục con biết mến yêu, chia sẻ, nhường nhịn và vị tha với những người xung quanh như Đức Kytô đã truyền dạy. Bà ân cần hướng dẫn con phải làm thế nào để đẹp lòng Chúa, sáng Danh Chúa ngay trong mỗi tương quan xa gần với tha nhân và mỗi công việc lớn nhỏ của đời thường.

Như thế, cuộc đời rất đỗi bình dị và an lành của K.T. vốn đã được dệt thành từ những ngày tháng êm đềm trong dạ mẹ, bằng những chuỗi Mân Côi nhiệm mầu trong lời nguyện cầu và ru hời tha thiết. Lớn lên, nàng lại tiếp tục đan kết mảnh đời mình bằng những chuỗi Mân Côi của chính mình. Để rồi những lời kinh huyền nhiệm ấy lần hồi thấm sâu vào từng ý nghĩ suy tư, từng lời ăn tiếng nói, từng hành vi cử chỉ của nàng và biến thành bấy nhiêu hạt Mân Côi lấp lánh yêu thương, được kết nối chặt chẽ với nhau bằng sợi dây khoan dung vô bờ bến của Cha Trên Trời.

Tôi còn nhớ mãi, K.T. thường nói với tôi về Đức Kytô, về các giới răn yêu thương của Ngài và về tầm ảnh hưởng lớn lao của Ngài trên đời sống hằng ngày của nàng, đoạn thủ thỉ rót vào tai tôi:

- K.T sẽ cầu nguyện cho P.T. K.T. sẽ luôn nhớ tới P.T trong Đức Kytô.

Lúc ấy, dĩ nhiên tôi chưa hề biết Đức Kytô là ai, nhưng chỉ cần nghe được những tâm tình chân thành tha thiết ấy, tôi đã cảm thấy rất có cảm tình với Ngài rồi…

Mỗi lần trò chuyện với K.T., tôi lại có cảm giác như đang đối diện với Đức Kytô cùng ánh mắt mời gọi trìu mến không cưỡng được… Thế là bao nhiêu luận cứ vô thần từ bao năm nay tưởng chừng vững chắc như núi sắt tường đồng, đã sụp đổ và tan rã hoàn toàn trước một tang chứng quá ư hiển nhiên… Qua K.T., tôi đã được gặp gỡ Thiên Chúa một cách chân thật, không phải một Thiên Chúa xa lạ, vô hồn trong sách vở, có đó chỉ để lấp đầy những khoảng trống mà khoa học chưa thể giải thích được, nhưng một Thiên Chúa là Cha Yêu Thương Nhân Hậu luôn chờ đón đàn con cái tản mác trở về với Ngài.

Tôi đã đến xem và tôi đã tin (Gioan 1:39-42)… Niềm tin vào Thiên Chúa đã đến với tôi một cách bất ngờ và đơn giản như thế đó…



Sau khi tốt nghiệp Trung Học, bạn bè mỗi kẻ một nơi. Tôi đơn thân đến nhà thờ Đa Minh Ba Chuông (kế cạnh trường PTTH Phú Nhuận) xin học Giáo Lý Tân Tòng và chịu phép Thanh Tẩy vào Lễ Chúa Kytô Vua. Hôm ấy, tôi tình cờ liên lạc được với K.T. và nàng đã đến chung vui với tôi trong ngày trọng đại này.

Vào đạo rồi, tôi tiếp tục tham dự Thánh Lễ hàng tuần tại nhà thờ Đa Minh. Tương truyền rằng Đức Mẹ đã hiện ra với Thánh Đa Minh, ban cho Ngài chuỗi Mân Côi và dạy Ngài truyền bá cho khắp muôn dân. Vì vậy, các tu sĩ Dòng Đa Minh có lòng yêu mến Kinh Mân Côi một cách đặc biệt. Riêng tại nhà thờ Đa Minh Ba Chuông, trước mỗi Thánh Lễ, các Soeur đều hướng dẫn cộng đoàn lần một chuỗi. Lúc đầu, tôi cũng sốt sắng đi Lễ và đọc kinh. Nhưng sau một thời gian ngắn, tôi bắt đầu ngán ngẩm... Không lẽ theo Chúa thì chỉ có bấy nhiêu thôi?  Đang uể oải lầm bầm trong bụng như thế, tôi tình cờ được giới thiệu đến với Dòng Chúa Cứu Thế Kỳ Đồng. Thế là kể từ đó, tôi giã từ chuỗi Mân Côi nhàm chán để đến với các lớp Giáo Lý Nâng Cao của các linh mục danh tiếng trong Giáo Phận Sài Gòn.

Tôi dần dà trở nên “nổi tiếng”, không phải nhờ vào công việc từ thiện bác ái như nhiều người khác, mà chỉ vì khóa học nào tôi cũng… có mặt, kể cả những khóa đào tạo chuyên biệt mà hầu hết học viên là tu sĩ, tôi cũng không bỏ qua. Nhiều người cho rằng tôi là kẻ thích khoa trương kiến thức, nhưng thật ra, không phải vậy. Đối với một người đạo gốc, được dắt dìu từ những ngày thơ ấu, niềm tin có lẽ đến với họ dễ dàng hơn nhiều. Đằng này, tôi vốn quen thuộc với lối suy tư vô thần, mọi sự đều phải được mổ xẻ trắng đen rạch ròi dưới lăng kính của lý trí. Vì vậy, việc nhìn nhận một Thiên Chúa siêu nhiên vượt lên trên khoa học không phải là điều tôi có thể hoàn thành trong một sớm một chiều… Ấy là chưa kể đến những áng văn rất sốc trong Cựu Ước, chẳng hạn,

Ta là Thiên Chúa ghen tuông phạt tội cha ông trên con cháu đến ba bốn đời, đối với những ai thù ghét Ta” (Xh 20:5).

Thú thật, lần đầu tiên nghe đoạn ấy, tôi choáng đến mức chỉ muốn… bỏ đạo ngay lập tức! Một Thiên Chúa được mệnh danh là Toàn Năng mà lại so đo, nhỏ nhen, và thù dai đến mức trù dập đến ba bốn đời những ai chống đối Ngài. Nếu không có chút ít hiểu biết về khoa chú giải Thánh Kinh và chỉ diễn giải câu ấy theo nghĩa đen, đó quả là một điều không thể chấp nhận được!

Ngày tháng thấm thoát trôi nhanh như thoi đưa, bốn đứa chúng tôi (tôi, K.T, T.M và N.T) đều đã lập gia đình và lưu lạc mỗi đứa một phương trời. T.M vẫn ở Sài Gòn, tôi đinh cư ở Canada, còn K.T và N.T lập nghiệp tại hai tiểu bang xa cách nhau ở Hoa Kỳ. Sau bao nhiêu vất vả tìm kiếm, cuối cùng tôi đã liên lạc  được với K.T và N.T (còn T.M., tôi vẫn chưa có tin tức).

Tôi được biết, trong thời gian xa cách, cả ba chúng tôi (tôi, K.T và N.T.) đều phải vượt qua những đoạn đường thăng trầm vô cùng nghiệt ngã của đời người. Sự kiện ấy có lẽ không lạ lẫm gì đối với cuộc sống bể dâu này, nhưng điều bất ngờ ở đây chính là cái kết cuộc sau cùng. Cả tôi và N.T. đều đã khuỵu ngã, chỉ riêng K.T. vẫn đứng vững trong nghịch cảnh trái ngang. Tôi đã hờn trách và lạc mất niềm tin vào Thiên Chúa, giân dỗi và quay lưng với Hội Thánh trong khoảng thời gian khá dài, và chỉ mới trở lại rất gần đây thôi. Còn N.T. không những chối bỏ đức tin, rời xa nhà thờ, mà còn lẩn trốn khỏi tất cả bạn bè và người quen đồng đạo xưa kia. Nàng oán hận Chúa không che chở cho mình, và không muốn nghe bất cứ ai nhắc nhở đến Danh Thánh Ngài. Nhưng K.T. hoàn toàn khác. Nàng khiêm nhượng chấp nhận mọi mất mát đau thương với lòng tín thác tuyệt đối:

- Mình chỉ xem đó như một tai nạn mà thôi...

Thế đấy, tuy là Tân Tòng, nhưng sau bao tháng ngày miệt mài theo đuổi các khóa học nâng cao, tôi dám cam đoan rằng “trình độ” tôn giáo của tôi ngày nay đã trổi vượt K.T. xa lắm rồi. Riêng N.T. thì khỏi nói, nàng ấy còn hơn tôi cả vài bậc là thuộc lòng cả quyển Thánh Kinh. Vậy mà cuối cùng tôi ngỡ ngàng khám phá ra, những kiến thức tưởng chừng cao siêu ấy thật ra chỉ là một chiếc nền bằng cát mỏng manh, không đủ sức giữ vững lòng tin vốn dĩ rất yếu ớt của chúng tôi. Riêng nàng K.T., với khả năng tri thức giới hạn hơn, đã khôn ngoan xây dựng nền móng một cách vững vàng trên những chuỗi Mân Côi nhiệm mầu, nhờ vậy, ngôi nhà đức tin của nàng, ngỡ là sơ sài lụp xụp với những hiểu biết giáo lý rất căn bản, vẫn có thể sừng sững giữa mọi bão táp phong ba.

Tôi gặp lại K.T. tại miền Nam Cali vào một ngày cuối năm, trong bầu khí mát mẻ, rộn ràng của Mùa Giáng Sinh và Năm Mới. Bạn tôi vẫn như thưở xưa, luôn phục sức giản dị, và không trang điểm cầu kỳ. Tuy thế, trong mắt tôi, nàng vẫn khả ái và yêu kiều như ngày nào dưới cùng một mái trường. Chúng tôi vui mừng tíu tít hỏi han nhau, thôi thì trăm thứ chuyện, từ trên trời xuống tới dưới đất. Và một lần nữa, nàng đã khiến tôi phải kinh ngạc trước những chia sẻ đơn sơ nhưng vô cùng thâm thúy của nàng.

K.T. hiện làm chủ một tiệm làm móng tay. Hai con của nàng đã trưởng thành và sắp vào Đại học. Bây giờ, ngoài việc săn sóc nhà cửa, giáo dục con cái và chăm nom cửa tiệm, nàng chỉ chuyên chú vào việc cầu nguyện, suy gẫm Lời Chúa, và tham dự Thánh Lễ hằng ngày.

K.T. cho tôi biết. Chỗ làm của nàng rất phức tạp. Người ta văng tục, đấu đá nhau liên tục, có khi chỉ vì tranh giành một người khách. Vì vậy, nàng chỉ mong làm sáng Danh Chúa trong chính môi trường sống và làm việc hằng ngày của mình. Nàng mong mỏi có thể noi gương Mẹ Têrêsa Calcutta, không chủ trương truyền giáo bằng cách lôi kéo người khác vào đạo, mà trước tiên là thực thi đức ái và gieo rắc tình yêu thương của Thiên Chúa trên những chặng đường đời nàng có dịp đi qua. Nàng rất tâm đắc với quan điểm của Mẹ Têrêsa, cho rằng dầu những người quanh mình chưa tin Chúa, nhưng nếu mình có thể giúp họ sống ngay lành hơn, tốt đẹp hơn, bác ái hơn, thì kể như mình đã góp phần làm sáng Danh Chúa rồi. Nàng cũng nhấn mạnh thêm lời nhắn nhủ chân thành của Mẹ, rằng mình không thể làm được điều này, bao lâu không liên lỷ cầu nguyện và sống kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa...

K.T. có một cô thợ tên X, tính khí nóng nảy, lại hay có tật gièm pha, chỉ trích nên thường dẫn đến gây gỗ và hiềm khích với người khác. Có lần X đôi co với một cô thợ khác tên Y, đến hồi cao trào, đấu khẩu không xong thì bắt đầu thượng cẳng chân hạ cẳng tay. K.T. lúc ấy đứng ngoài, thấy tình hình quá căng thẳng, vội lao đến cản đường cô X, rồi kêu to lên, bảo cô Y bỏ chạy. Cô X nổi cáu, nhấc bổng K.T. ném sang một bên (vì cô X to con hơn K.T nhiều). Vậy mà sau đó, chính K.T. đã chủ động mở miệng xin lỗi cô X vì cho rằng mình đã thiếu tế nhị, đường đột can thiệp trong lúc cô X đang nóng giận, làm chạm tự ái của cô.

Nghe qua câu chuyện, tôi và các bạn của tôi đều lắc đầu… bó tay, cho rằng K.T. quá nhu nhược, trong bụng cũng thầm lo bạn mình rồi sẽ bị yếm thế. Bởi cứ theo lẽ thường mà nói, có nhân viên nào dám cả gan ra tay với chủ? Và cho dẫu có xảy ra thì thể nào kẻ ấy cũng sẽ bị đuổi việc. Vậy mà K.T. đã không sa thải cô X, lại còn nhẫn nại hướng dẫn X cầu nguyện và sửa mình nữa. Kỳ lạ thay, vài năm sau, K.T. không những chẳng bị ai bắt nạt mà những lời cầu xin tha thiết của nàng đã thành công giúp X tiến bộ hẳn lên. Cô trở nên hiền hòa hơn, bớt gây gổ với những người xung quanh hơn, thậm chí còn chịu khó cầu nguyện với Chúa và Đức Mẹ mặc dầu cô vốn là một Phật tử.

Ngoài ra, K.T. có một cô bạn khác, đạo gốc nhưng đã lạc mất niềm tin và từ bỏ nhà thờ. Thế là ngày nào K.T. cũng kiên trì cầu nguyện cho cô ấy. Kết quả là sau ba năm, cô ấy đã được ơn trở lại với đức tin.

Cứ thế, K.T. lặng lẽ rảo bước trên cánh đồng truyền giáo mênh mông, cần mẫn gieo rắc từng hạt giống âm thầm của quảng đại và yêu thương. Hai vai mang lấy hành trang giản dị duy nhất nhưng cũng hữu hiệu tuyệt vời của Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta năm xưa là đời sống chứng tá gói trọn trong chuỗi Mân Côi lấp lánh diệu kỳ…

Những việc làm thầm lặng của K.T đã chứng minh rằng thừa sai không chỉ thuần túy là công việc của các linh mục và tu sĩ, nhưng chính là trách nhiệm và bổn phận của mỗi tín hữu. Đành rằng trong ơn gọi hôn nhân, rất bận rộn với cơm áo gạo tiền và dưỡng dục con cái, cộng thêm khả năng tri thức giới hạn, K.T. không có khả năng trực tiếp tham gia vào mục vụ rao giảng Lời Chúa cho muôn dân nhưng nàng đã tích cực chung tay góp một phần tuy khiêm hạ nhưng đầy hiệu quả cho sứ mạng truyền giáo của toàn thể Hội Thánh bằng cách trở nên muối men và ánh sáng để ướp mặn và soi dẫn cho đời.

Riêng tôi, sau một thời gian dài lạc lối trên nẻo đường tăm tối của đứa con hoang đàng, tôi mới tập tành cầu nguyện một cách nghiêm túc, lúc đầu chỉ là những lời nguyện tự phát. Tôi dần dà chú ý đến sự nhiệm mầu của chuỗi tràng hạt, nhất là sau khi cha quản xứ mới về nhậm chức. Ngài là một linh mục Dòng Chúa Cứu Thế và đặc biệt có lòng sùng kính Kinh Mân Côi. Tôi bắt đầu tập tễnh lần chuỗi và chẳng cần chờ đợi lâu để mục kích hiệu quả thần kỳ của một lối cầu nguyện mà đa số giới trẻ hôm nay cho là quê mùa, nhàm chán và mất thời gian *.

Tôi chỉ xin đơn cử một sự kiện nổi bật. Số là từ ngày có con, cuộc sống hôn nhân của tôi ngày càng suy thoái và xuống cấp. Thật ra nguyên nhân cội rễ chẳng có gì trầm trọng cả. Mặc dầu chồng tôi bên lương, chúng tôi vẫn khá tâm đầu ý hợp, ít xung khắc cãi cọ. Tuy nhiên, khi tôi sinh cháu gái đầu tiên, chồng tôi bị thất nghiệp, sau đó tìm được việc mới nhưng phải làm rất nhiều giờ. Tương quan vợ chồng trở nên rạn nứt từ từ do những căng thẳng và thách đố nảy sinh từ công ăn việc làm và nuôi dạy con cái. Đến lúc tôi sinh cháu trai thứ hai, vừa mắc bệnh chàm (eczema) vừa mắc hội chứng tự kỷ (autism), hôn nhân của chúng tôi thật sự bị đẩy vào ngõ cụt bế tắc và cuối cùng rơi thẳng vào chốn địa ngục trần gian khi giữa chúng tôi, những lời yêu thương trìu mến ngày càng vắng bóng cho đến lúc hoàn toàn bị thay thế bằng những tiếng cắn đắng, hằn học, thậm chí sỉ nhục, thóa mạ nhau. Rồi một ngày, bầu khí gia đình đã trở nên ô nhiễm, ngột ngạt đến mức không hít thở nổi khiến tôi buộc phải nghĩ đến giải pháp chia lìa để tránh ảnh hưởng đến con cái.

Nhưng ý tưởng thoáng qua ấy không làm tôi cam lòng, nhất là khi tôi chợt nhớ tới đến lời phán bảo của Chúa Giêsu với uy quyền tối thượng của Con Thiên Chúa:

Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp thì loài người không được phân ly” (Mt 19 :6) 

Điều này cũng đồng nghĩa rằng khế ước hôn nhân là tuyệt đối bất khả phân ly, không có ngoại lệ nào. Cho dẫu Hội Thánh có chấp thuận ly thân trong một số trường hợp, đó vẫn là giải pháp bất đắc dĩ, không làm đẹp lòng Chúa tý nào, do bởi:

Vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Mô-sê đã cho phép các ông rẫy vợ, chứ thuở ban đầu, không có thế đâu” (Mt 19 :8)

Vì vậy, tôi quyết tâm tìm cách cứu vãn hạnh phúc hôn nhân, nỗ lực vận dụng các kiến thức nhân loại và sự khôn ngoan trần thế nhưng hỡi ơi, càng lao đao nhọc nhằn bao nhiêu, tôi càng thất bại thảm hại bấy nhiêu, bởi chồng tôi luôn ngờ vực thiện chí của tôi và càng phản ứng tiêu cực hơn đối với mọi thành ý làm lành và hòa giải từ phía tôi. Sau cùng, tôi đã cùng đường, chỉ còn cách duy nhất là cầu xin Thiên Chúa cứu chữa.

Thế là tôi cần cù lần chuỗi mỗi ngày với ý nguyện đơn sơ: Xin Chúa giúp vợ chồng con hòa hợp yêu thương nhau như ý Chúa muốn. Xin Chúa giúp mỗi người chúng con biết nhận lỗi và sửa lỗi của mình. Hoàn toàn đơn giản như “đang giỡn” vậy. Diệu kỳ thay, chỉ sau một thời gian ngắn, tôi ngỡ ngàng nhận ra rằng cả hai chúng tôi đều được biến đổi một cách lạ lùng. Những cử chỉ yêu thương, những lời nói ngọt ngào cũng từ đó dần dần trở về và sưởi ấm lại mái nhà nguội lạnh của chúng tôi. Cuộc hôn nhân đang cheo leo bên bờ vực thẳm của tan vỡ đã được cứu vớt một cách thần kỳ nhờ vào một chuỗi tràng hạt có thể gọi là quê mùa, nhàm chán, nhưng lại không hề uổng phí thời gian, bởi lẽ:

“Giống quỷ ấy, chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi” (Mc 9 :29)

Xưa kia, tôi đã xếp xó chuỗi Mân Côi bình dân, đơn điệu, lỗi thời, để rồi phải lãng phí cả nửa đời người, hoài công đeo đuổi theo những mục đích phù phiếm và những tham vọng viển vông. Cuối cùng, tôi chẳng gặt hái được gì ngoài một cuộc sống hoàn toàn trống rỗng, khổ ải và bất an. Rồi gần đây, tôi đã hoài phí thời giờ, ngày đêm lao lực hòng bảo vệ mái ấm gia đình, để rốt cuộc, không những chẳng đi đến đâu mà còn hóa ra tồi tệ hơn.

Tâm lý phổ biến của con người là chỉ xem trọng những công việc cao siêu vĩ đại như làm ông nọ, bà kia hay chạy theo những hoạt động rầm rộ hào nhoáng như ca hát, từ thiện mà quên đi đâu mới là nền móng cơ bản của đời sống đức tin. Chính Chúa Giêsu trong tư cách là Con Thiên Chúa mà còn thường xuyên tìm nơi thanh vắng để cầu nguyện một mình:

Sáng sớm lúc trời còn tối mịt, Người đã thức dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó” (Mc 1,35).

Sau khi giải tán đám đông, Người đi lên núi mà cầu nguyện, chiều đến Ngài vẫn ở đó một mình” (Mt 14,23).

Kinh Mân Côi, với sự lập đi lập lại các bài kinh Lạy Cha, Kính Mừng, Sáng Danh, đã trở nên một phương thức rất hiệu nghiệm để đưa ta trở về với sự thinh lặng tuyệt đối của sa mạc tâm hồn để rồi từ đó, ta mới có thể lắng nghe tiếng Chúa nói với riêng mình và hoán đổi chính mình.

Nhiều người trẻ ngày nay chẳng thà chuyên chú hàng giờ vào việc nghiên cứu Thần học, Thánh Kinh, hơn là dành dụm thời gian cho một lối cầu nguyện bình dân, đơn điệu, lỗi thời *. Thế mà có một vị từng là linh mục lừng danh xuất chúng, nay xuất tu, đã thành khẩn thú nhận nguyên nhân sâu xa đưa đẩy ông đến chỗ mất ơn gọi:

Những hiểu biết sâu hơn về Thiên Chúa, nhiều hơn về Thiên Chúa không giúp giữ tôi trong lòng mến của Ngài. Chính đời sống cầu nguyện đơn sơ mà mẹ tôi tập cho tôi từ ngày còn bé mới giữ tôi lại trong tình yêu thương của Thiên Chúa” **

chính việc thiếu một đời sống cầu nguyện đã giết chết ơn gọi Linh mục trong tôi.” **

Xin tạ ơn Mẹ Maria đã đoái thương truyền dạy Kinh Mân Côi như một phương tiện nhiệm mầu hầu dẫn dắt chúng con đến với Thiên Chúa là nguồn mạch của hạnh phúc chân thật và vĩnh cửu muôn đời. Amen.

Ottawa, 11/2016
Têrêsa Nguyễn Phương Thảo






* Xin xem bài Lần Chuỗi Mân Côi – một việc đạo đức đang bị giới trẻ “xếp xó” – Lm. Giuse Nguyễn Thành Long – http://www.vietcatholic.net/News/Html/144555.htm.

** Xin xem bài Một lời cảnh báo đáng suy tưĐặng Tự Do –
http://gpcantho.com/Bai-Viet-Giao-Phan-Can-Tho-M%E1%BB%98T-L%E1%BB%9CI-C%E1%BA%A2NH-B%C3%81O-%C4%90%C3%81NG-SUY-T%C6%AF-8345.aspx

Thứ Hai, 5 tháng 9, 2016

Đôi dòng cảm nghiệm về giáo xứ

Đôi dòng cảm nghiệm về giáo xứ







Tôi đến cư ngụ tại thủ phủ của xứ Lá Phong sau khi tốt nghiệp Đại học và được chính phủ Liên bang tuyển dụng. Được biết nơi đây có cộng đoàn Công Giáo Việt Nam, tôi đã tìm đến sinh hoạt và tham dự Thánh Lễ. Cho đến nay, giáo xứ đã được thành lập 15 năm, lần lượt dưới sự linh hướng và điều hành của ba linh mục.

Linh mục quản nhiệm đầu tiên là cha Th. Cảm nhận ban đầu của tôi là… sự hụt hẫng pha lẫn với chút… thất vọng, bởi vì ngài quá ư… bình thường, ít ra là so với các linh mục khác mà tôi từng gặp gỡ. Thế rồi năm tháng trôi qua, tôi mới dần dần khám phá, dẫu cha Th không có vẻ bề ngoài lấp lánh hào quang, lại tiềm ẩn một nội tâm ý nhị sâu sắc và một ưu điểm hiếm có là tính nhẫn nhịn và lòng khiêm nhường. Đó cũng là tính cách cần có nơi người lãnh đạo cộng đoàn. Đơn giản là vì Thiên Chúa tuy toàn năng nhưng tuyệt đối tôn trọng sự tự do của con người. Do đó, người ta có chịu tự hủy mình ra không, nhường chỗ cho Chúa thì Ngài mới giang tay thi thố trọn vẹn quyền năng tối thượng của Ngài.

Vậy là tôi đã đi từ ngỡ ngàng này cho đến ngỡ ngàng khác, chứng kiến sự lớn mạnh không ngừng cùa cộng đoàn. Lúc ấy, tôi mới bắt đầu ngạc nhiên khâm phục sự « tầm thường » của cha xứ. Mặc dầu ngài không có biệt tài giảng thuyết, các Thánh lễ vẫn thu hút khá đông tín hữu tham dự, thậm chí các ngày lễ trọng, giáo xứ phải xếp thêm ghế vì thánh đường không đủ chỗ ngồi. Đặc biệt quan tâm đến giới trẻ, ngài đã thiết lập ban thanh niên và củng cố phong trào Thiếu nhi Thánh Thể, khuyến khích các em tham gia vào phụng vụ để trau dồi niềm tin và duy trì truyền thống dân tộc. Ngoài ra, ngài còn hình thành câu lạc bộ bóng bàn giúp đám trẻ nâng cao thể lực và kết tình thân hữu, tổ chức các khóa học thăng tiến hôn nhân và các buổi tĩnh tâm với đề tài lôi cuốn do các tu sĩ khác nhau đảm nhiệm. Chưa kể là ngài đã thực hiện khá nhiều việc hy sinh tận tụy thầm lặng, rất ít ai biết đến. Chẳng hạn, ngài đích thân sửa chữa nhà thờ, chỉ với sự phụ giúp của vài người và tự nguyện giảm bớt lương bổng để đền bù vào ngân sách thiếu hụt của giáo xứ.

Suốt 12 năm cai quản giáo xứ, cha Th không ồn ào phô trương, cũng không màu mè khoe mẽ. Trái lại, ngài âm thầm gieo rắc và vun xới những hạt giống quý giá của tinh thần phục vụ khiêm hạ, cho đến hôm nay, vẫn còn lưu lại và nảy nở tốt tươi trong tôi và nhiều người. Xin kính gửi đến cha lời tri ân chân thành. Hiện nay, Thiên Chúa đã giao phó cho cha một sứ vụ mới mẻ nhưng 12 năm cha lưu lại nơi đây thật không uổng phí chút nào.

Linh mục kế nhiệm là cha Q. Thú thật là ngài đã tạo nơi tôi cái nhìn phản cảm ngay lần tiếp xúc đầu tiên. Cảm giác khó chịu ấy cứ lớn dần với cung cách phát ngôn và phán quyết mà tôi cho là không thích hợp. Cho đến một hôm, tình cờ nghe biết về những vấn đề nan giải trong giáo xứ mà ngài đang phải đương đầu, tôi mới nghiệm ra sự vô lý của mình. Xét cho cùng, cha Q không có thiếu sót gì to tát ngoài việc thiếu kỹ năng giao tiếp. Khiếm khuyết ấy tuy có ảnh hưởng đến công việc mục vụ nhưng vẫn không phải là tội danh nặng nề trước Nhan Thiên Chúa. Lẽ ra, tôi phải nhìn nhận và cảm kích những đóng góp tích cực khác của ngài cho giáo xứ. Đằng này, tôi lại nung nấu một thứ ác cảm vô lối, chẳng đem lại ơn ích gì cho ai, mà chỉ khiến tâm hồn tôi bất an ray rứt.

Từ đấy, tôi mới tự vấn, vì sao tôi không cầu nguyện cho ngài? « Không có gì là không thể được đối với Thiên Chúa » (Lc 1:37), Đấng đã từng hoán cải biết bao kẻ tội đồ hồi đầu trở lại, huống chi là việc uốn nắn những khuyết điểm nhỏ bé. Rất tiếc là tôi đã thiếu niềm tin, vì vậy, tôi đang cố gắng đền bù lầm lỗi của mình bằng cách nhớ đến cha Q trong lời nguyện, xin Chúa gìn giữ và trợ giúp ngài vượt qua mọi khó khăn để luôn luôn vững vàng trong ơn gọi.

Sau cùng, Đức Tổng Giám Mục đành phải qua đến tận xứ Cờ Hoa, thỉnh một linh mục Dòng Chúa Cứu Thế về cho giáo xứ. Thoạt nhìn, cha T không để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc gì. Nhưng chỉ vài tháng sau, tôi mới bàng hoàng phát hiện, ngài quả là một… đại cao thủ! Thành thật mà nói, ngài chẳng vận dụng chiêu thức gì cao siêu, ngoài việc phân phát tràng hạt với lời dặn dò ân cần là hãy siêng năng lần chuỗi Mân Côi, và cho căng một biểu ngữ thật lớn giữa thánh đường : « Đức tin không có việc làm là đức tin chết » (Gc 2:26)! Đấy, một bí kiếp đơn giản như « đang giởn » vậy, mà công lực dồi dào đến nỗi ngài chỉ mới khe khẽ phất tay, xuất chiêu nhẹ nhàng tựa tơ hồng mà quần hùng lớp lớp đổ rạp.

Trước đây, các cha xứ mặc sức kêu gào hò hét, rốt cuộc may ra có được vài người lục tục hưởng ứng. Nhà thờ xập xệ, không ai sửa, nhà bếp bầy bừa, không ai dọn, nhà xí hư hỏng, không ai ngó. Bây giờ khác hẳn, khắp khuôn viên tấp nập kẻ ra người vào, xông xáo làm việc này, hăng say làm việc kia. Những bộ mặt một thời lạnh lùng nhăn nhó đã rạng rỡ nụ cười thân ái hiền hòa. Trong vòng một năm nhậm chức, cha T đã quy tụ một nhóm chuyên ngành xây dựng chung sức đại trùng tu thánh đường. Hoạt động của các hội đoàn, trong đó có Thiếu Nhi Thánh Thể, cũng trở nên sôi nổi, nhộn nhịp và hiệu quả hẳn lên. Đặc biệt là các chương trình đêm được tổ chức chu đáo với những bộ film đầy ý nghĩa kèm theo bữa ăn ấm cúng, vừa có tác dụng củng cố đức tin, vừa kết chặt tình thân giữa các thành viên của giáo xứ.

Thật ra, cha T đâu có làm điều gì mới lạ. Ngài chỉ hướng dẫn cộng đoàn dựa theo linh đạo truyền thống của Hội Thánh, một linh đạo đã được Mẹ Têrêsa thành Calcutta đúc kết và nêu gương một cách tuyệt vời:

Kết quả của thinh lặngcầu nguyện
Kết quả của cầu nguyệnđức tin
Kết quả của đức tintình yêu
Kết quả của tình yêuphục vụ
Kết quả của phục vụbình an

Hoặc diễn giải một cách nôm na theo nguyên tắc toán học là :

cầu nguyện + phục vụ = không còn thời gian để « nhàn cư vi bất thiện »

Cha T đã thành công cân bằng phương trình nan giải ấy để rồi dẫn đến hệ luận tất yếu là bình an, bình an cho cá nhân và bình an cho cộng đoàn! Tạ ơn Chúa Thánh Thần đã soi đường dẫn lối cha xứ của chúng con!

Tuy vậy, nội lực thâm hậu của cha T vẫn chưa đạt đến mức thượng thừa để được miễn nhiễm khỏi những ánh mắt dị nghị xét nét đâu nhé. Cụ thể là có lần tôi thăm dò con gái :

-       Con có thích cha T không?
-       Thưa không! – Bé thản nhiên đáp ngay, không cần nghĩ ngợi.
-       Sao thế? – Tôi ngẩn người, hỏi vặn.
-       Uhm… Uhm… – Bé ngập ngừng, lim dim mắt suy gẫm một lúc rồi mới vòng vo – Con thích cha Th hơn tại cha Th « hiền » hơn, « dễ thương » hơn…

Làm cha xứ thời hiện đại khổ thế đấy, « ở sao cho vừa lòng người, ở rộng người cười, ở hẹp người chê »! Nhưng tôi chợt nhớ, năm xưa, Đức Giêsu có đến 12 môn đồ, mà Ngài lại chỉ định ngay Thánh Phêrô là người đã từng chối Ngài ba lần để đứng đầu Hội Thánh, chứ không chọn Thánh Gioan là môn đệ vừa được ưu ái nhất, vừa chẳng chối Chúa bao giờ!

Về phần đời sống cộng đoàn, dưới cái nhìn tổng quát, các hoạt động thờ phượng và sinh hoạt đều rất sốt sắng trang trọng. Dầu vậy, bề trong, không phải lúc nào cũng cơm lành, canh ngọt, điển hình là một loạt các xáo trộn bất ổn bùng phát không bao lâu trong giáo xứ. Dễ hiểu thôi! Hai vị Tông đồ lừng danh nhất là Thánh Phêrô và Thánh Phaolô còn choảng nhau nữa là : « Nhưng khi ông Kê-pha đến An-ti-ô-khi-a, tôi đã cự lại ông ngay trước mặt, vì ông đã làm điều đáng trách. » (Ga 2 :11). Các giáo đoàn tiên khởi cũng không tránh khỏi nồi da xáo thịt bởi chia rẽ và kiện tụng : « Dù sao, nguyên việc anh em kiện cáo nhau đã là một thất bại cho anh em rồi. Tại sao anh em chẳng thà chịu bất công? Tại sao anh em chẳng thà chịu thiệt thòi? » (1C 6:7)

Chính trong bối cảnh này, tôi xin chia sẻ vài cảm nghĩ về vấn đề hiệp nhất cộng đoàn. Trước hết, theo nhận xét thiển cận của tôi, phần lớn các lục đục nội bộ xảy ra đều xuất phát từ một tâm lý rất thông thường và phổ quát. Ấy là mỗi khi có sự va chạm, người ta sẽ trước hết nghĩ ngay đến sai lầm của người khác, để rồi cay đắng phẫn nộ, từ đó dẫn đến một hệ lụy không tránh khỏi mà thuật ngữ vi tính học đã gán cho danh từ « deadlock », hầu diễn tả một tình trạng hoàn toàn đình trệ, bế tắc, không lối thoát. Quả vậy, nếu ai cũng khăng khăng đổ lỗi cho kẻ khác, mà ngoan cố không chịu thừa nhận lầm lạc của mình, sự xung đột sẽ cứ thế nổ tung theo chiều xoáy ốc cho đến khi mọi mối tương quan đều vỡ tan. Hậu quả sau cùng thật khôn lường, nhẹ nhất là không ai ngó mặt ai và nặng nhất là đấu đá cho đến lúc kẻ mất người còn!

Cá nhân tôi dĩ nhiên cũng không thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn tự nhiên của hỷ nộ ái ố ấy. Nhưng may mắn thay, Thiên Chúa đã run rủi cho tôi tìm được lối thoát diệu kỳ. Số là một buổi sáng Chúa Nhật nọ, bé gái nhà tôi bỗng lăn đùng ra khóc lóc, nhất định không chịu đi sinh hoạt Thiếu Nhi Thánh Thể. Tôi ngạc nhiên gặng hỏi lý do. Bé mếu máo kể lể :

-       Bạn ABC cứ đi theo chọc con hoài!

Quả là một bài toán hóc búa! Vừa vội, vừa bí lối, tôi đành nói bừa để tạm dỗ dành con:

-       Con bực tức thì giải quyết được gì? Con càng giận, bạn càng thích, càng trêu con thêm. Vả lại, bạn trêu con, đúng là không tốt, nhưng cũng không có nghĩa là bạn sai hoàn toàn. Biết đâu con đã làm điều gì đó chướng mắt trước khiến bạn thấy gai trong lòng mà đâm ra trêu con? Sao con không cầu xin Chúa? Chỉ có Chúa mới biết rõ, ai đúng, ai sai, ai cần sửa đổi, và sửa đổi ở chỗ nào. Con không có khả năng thay đổi bạn, con cũng không biết con sai chỗ nào để tự thay đổi, nhưng Chúa biết. Nếu con cầu xin, chắc chắn Ngài sẽ giúp con!

Không hiểu sao, tôi dám bạo mồm quả quyết một tràng như đinh đóng cột thế, chứ thú thật là trong thâm tâm, tôi không cầm chắc một Thiên Chúa Siêu Vời sẽ hạ mình can thiệp vào trò cãi cọ vu vơ kia. Ngờ đâu, vài tuần sau, tôi hỏi lại thì bé cười toe toét đáp:

-       Bạn ABC hết chọc con rồi!

Một thời gian sau, bé lại giãy đành đạch, một hai từ khước tham gia tập múa trong nhà thờ với lý do :

-       Trong đội múa có bạn XYZ đã múa sai bét mà cứ tày lanh chê bai người khác. Đã vậy còn hay nói bậy bạ làm con và mấy bạn khác bực mình!

Eo ôi! Vẫn là chuyện thị phi phù phiếm của trẻ con! Vừa nghe qua, đã thấy đau đầu rồi, tôi đành nghiêm nghị bảo :

-       Thứ nhất, con nghĩ là bạn múa sai nhưng chưa chắc bạn đã múa sai. Chỉ có cô giáo mới biết được ai múa đúng, ai múa sai. Thứ hai, nếu con đã khẳng định được bạn làm điều gì sai, thì đừng bắt chước làm sai theo bạn. Thứ ba, nếu hễ thấy bạn không vừa ý con, rồi con giận dỗi, tẩy chay bạn, thì kể như con mất một người bạn. Cứ tiếp tục như thế, con sẽ mất bạn dài dài cho đến khi chẳng còn đứa bạn nào. Con nên nhớ, trên đời này, không có ai hoàn hảo hết, kể cả bản thân con! Chưa kể là mỗi khi bực tức, con tự đánh mất sự bình an của chính mình. Như vậy, kẻ thiệt thòi trước tiên sẽ luôn luôn là con. Sao con không cầu xin Chúa giúp bạn con thay đổi? Chỉ cần bạn chịu thay đổi, hết chướng thối, là con khỏe rồi. Con vừa giữ được tình bạn, vừa giữ được tâm hồn luôn an lạc, vui vẻ!

Lần này, tôi cũng liều mạng đùn đẩy qua cho… Chúa mà trong bụng đánh… lô tô, chẳng hiểu Thiên Chúa Toàn Năng có khấng chịu nhúng tay vào trò đôi co vô nghĩa này không nữa! Vậy mà vài tuần sau nữa, tôi kinh ngạc thấy con cặp kè thân thiện với đứa bạn « xí xọn » nọ, đã thế còn thích chí khoe :

-       Bạn XYZ bây giờ ok rồi!

Bấy giờ, tôi mới thở phào, bội phục sự khôn ngoan siêu vời của… Chúa Thánh Thần! Chắc chắn là Ngài linh hứng cho tôi rồi, chứ cái đầu bé nhỏ rỗng tuếch của tôi làm sao có thể phát minh ra một giải pháp giản dị nhưng lại công hiệu một cách thần kỳ như vậy!

Khổ nỗi, đã lỡ dạy con như thế rồi thì chính mình cũng phải… áp dụng theo. Không lẽ nói một đằng, làm một nẻo? Thế rồi ngày tháng trôi đi, tôi bỡ ngỡ chứng kiến sự lột xác từng bước của tâm hồn mình, kèm theo là ánh mắt đã trở nên thân ái hơn của những người xung quanh. Thảo nào, các Thánh Lễ đều mở đầu bằng Kinh Cáo Mình : « Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa Toàn Năng… lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng…»

Thật thế, « lỗi tại tôi mọi đàng » chính là chiếc chìa khóa vạn năng có khả năng phá vỡ các mắt xích của hiểu lầm, đố kỵ, đã nối kết chặt chẽ với nhau thành chiếc vòng xoáy bế tắc của các cuộc xung đột, mâu thuẫn dai dẳng, không chấm dứt trong nhân thế. Tuy nhiên, đấy cũng là một ân huệ mà người ta chỉ có được nhờ cầu nguyện bởi chỉ có Thiên Chúa mới có đủ quyền năng điều hướng đôi mắt tâm linh mù tối của con người về phía lầm lỗi của bản thân, thay vì đăm đăm bơi móc, xoi mói vào sai trái của kẻ khác.

Giữa thời đại khoa học kỹ thuật đang tiến triển lên tới đỉnh cao mà đề cập đến cầu nguyện, nhất là lần chuỗi Mân Côi, phần đông ai nấy đều cười khẩy xem thường, cho là lỗi thời, vô dụng. Xưa kia, lúc còn ở lứa tuổi ngông nghênh « đầu đội trời, chân đạp đất », tôi cũng từng lắc đầu thất vọng trước đời sống chiêm niệm khép kín, xa rời thực tế của các đan viện. Nhưng một khi gối bắt đầu mỏi, chân bắt đầu chồn, tôi mới dần dà cảm nhận sức mạnh vô song của một hành vi có vẻ thụ động, yếm thế ấy : 

Giống quỷ ấy, chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi  (Mc 9:29).
Những gì không thể được đối với loài người, thì đều có thể được đối với Thiên Chúa (Lc 18:27)

Bởi lẽ, trên đời này, có rất nhiều việc mà tự sức người phàm, không thể làm được, hoặc giả như có thể, cũng không thể làm tới nơi tới chốn. Một trong những tình huống thách đố ấy, chính là kỳ vọng cải hóa kẻ khác mà không màng sửa đổi chính mình!

Hội Thánh Công Giáo vốn có truyền thống sùng kính Đức Trinh Nữ Maria. Vậy mà theo tất cả các trình thuật Tin Mừng, suốt thưở sinh thời, Đức Maria chẳng hề làm bất cứ điều gì cao siêu vĩ đại, ngoài… cầu nguyện và vâng phục. Vả lại, dưới lăng kính nhân loại, Đức Maria hoàn toàn là một nhân vật không tên tuổi. Như thế, chính nhờ và chỉ nhờ vào việc trung kiên cầu nguyện và vâng phục cho đến dưới chân Thập Giá mà Mẹ Maria đã xứng đáng được Hội Thánh tôn vinh với đủ tước hiệu cao cả, nào là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Giáo Hội, Nữ Vương Hòa Bình,…

Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng (Lc 2 :51)
Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói (Lc 1:28)

Đấy cũng là nguyên do vì sao Đức Giêsu luôn khẳng định : « Nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời » (Mt 18:3). Vậy đâu là điểm khác biệt nền tảng giữa trẻ nhỏ và người lớn? Ấy là trẻ thơ chỉ biết khiêm hạ thỏ thẻ cầu xin, trong khi những kẻ kiêu hãnh tự cho là « trưởng thành » lại luôn ỷ vào sức lực giới hạn và trí tuệ hẹp hòi của mình mà vênh váo trước Nhan Thiên Chúa, giành quyền tự quyết!

Trở lại với đời sống cộng đoàn, thêm một thứ tâm lý lệch lạc phổ biến nữa là mỗi khi có sự bất hòa, người ta lập tức tìm cách hạ gục và loại trừ kẻ đối đầu với mình. Trái lại, Đức Giêsu phán bảo : « hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em » (Mt 5:44). Đối với nhãn quan thế tục, đây là một thái độ nhu nhược, ương hèn nhưng lại là sự khôn ngoan tuyệt hảo của con cái sự sáng. Đơn giản là vì người ta không thể sống an nhàn, yên ổn bao lâu xung quanh vẫn còn đầy rẫy kẻ thù. Tiêu diệt toàn bộ kẻ địch quả là việc bất khả thi, mà giả như có thực hiện được thì kẻ chiến thắng cũng sẽ chẳng vẻ vang gì bởi hắn khó tránh khỏi thương tích, tổn thất nặng nề, chưa kể là phải nhọc nhằn thu dọn tàn cuộc và lê lết quãng đời còn lại trong cô độc, hiu quạnh! Do đó, yêu mến kẻ thù nghịch và cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ chính là bí quyết nhiệm mầu giúp cải hóa địch thủ, biến thù thành bạn hầu kiến tạo hòa bình, xây dựng phúc lợi cho chính cá nhân và cả cộng đoàn!

Nhân loại hôm nay đã rút ra được những bài học đắt giá từ các cuộc chiến tranh đẫm máu nhưng vô bổ trong quá khứ. Nhờ vậy, các quốc gia trong hiện tại luôn thiên về giải pháp đàm phán, hòa giải hơn là sử dụng vũ lực, bạo động. Hơn thế nữa, trong các cuộc thương lượng, người ta cố gắng đi đến cái gọi là « win-win solution », tức một thỏa thuận tối ưu mà cả hai bên đều có lợi. Rất dễ hiểu là vì trong một cuộc tranh chấp mà có kẻ được người mất thì thể nào những kẻ bại trận cũng sẽ ấm ức âm thầm tìm cách phá hoại, không để kẻ thắng cuộc yên thân, vênh vang hưởng thụ vinh quang khải hoàn!

Tiếp tục bàn về ba linh mục đã từng và hiện đang quản nhiệm giáo xứ, quả là mỗi vị mỗi vẻ và đều có những ưu khuyết điểm khác biệt. Đã thế, với cương vị lãnh đạo, các ngài chẳng khác nào làm dâu trăm họ, vừa ý kẻ này thì sẽ mếch lòng kẻ khác. Dưới góc nhìn hạn hẹp của riêng tôi, cha nào cũng có vài lối hành xử hay hướng giải quyết mà bản thân tôi không tán thành. Nhưng mặt khác, tôi cũng ý thức, điều quan trọng nhất là các ngài sống và thực thi theo ý Chúa, chứ không phải theo ý tôi. Khi tôi bất đồng quan điểm với các ngài, không nhất thiết là tôi đúng, các ngài sai! Vả lại, tôi xác định rõ, nếu vì một lý do nào đấy, các linh mục không thể hoàn tất mỹ mãn vai trò được giao phó, hoặc thậm tệ hơn là đánh mất ơn gọi thì kẻ thua thiệt hàng đầu chính là tôi và toàn thể cộng đoàn, đặc biệt giữa thời buổi mà ơn thiên triệu càng lúc càng trở nên khan hiếm! Vì vậy, theo thiển ý của tôi, cộng đoàn nên làm một việc thực tiễn, hữu dụng là kiên tâm cầu nguyện cho các linh mục, hơn là ca cẩm, phàn nàn về các ngài.

Nguyện xin Chúa Thánh Thần ban cho các linh mục quản xứ ơn khôn ngoan sáng suốt để các ngài luôn biết phán đoán, định liệu, và linh hướng cộng đoàn theo đúng Thánh Ý của Thiên Chúa. Nguyện xin Đức Trinh Nữ Maria, Đấng được mệnh danh là Nữ Vương Hòa Bình, cầu bầu và hướng dẫn cộng đoàn chúng con, ngõ hầu chúng con trở nên muối men của sự an bình và ánh sáng của sự hiệp nhất giữa một thế giới vẫn còn đầy tranh chấp và hận thù. Amen.

09-2016